Chi tiết tin - Thị trấn Ái Tử - Triệu Phong

 

Video clip
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập 2
  • Hôm nay 721
  • Tổng truy cập 473.767

Nghề hến mang nguồn thu nhập khá cho người dân ven sông

14:18, Thứ Tư, 19-10-2022

 

            Hến là món ăn dân dã, đặc sản của các vùng quê sông nước. Có nhiều địa phương, người dân hàng trăm năm nay gắn bó với nghề khai thác hến truyền thống. Tuy sinh kế vất vả nhưng nghề này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, khấm khá, đặc biệt là trong mùa nắng nóng. Ghi nhận tại một số địa phương ven sông Thạch Hãn.

Quy trình của nghề làm hến một ngày bắt đầu khi từ mờ sáng, những người đàn ông khỏe mạnh đánh thuyền máy đi cào hến trên sông. Sau khi khai thác hến về, người ta sẽ thấy các thuyền hến neo lại trên bến. Lúc này hến được đem sàng, lọc vỏ rong rêu, đá sỏi; chà rửa sạch sẽ trước khi đem bỏ cho thương lái hoặc người dân địa phương đem nấu để đem ra chợ bán. Cào hến đòi hỏi người làm phải có sức khỏe, chịu được thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là về mùa đông. Công cụ và phương tiện cào hến chủ yếu là khung cào, lưới sàng, rổ tre và thuyền máy. 
             Thôn Đại Lộc B xã Triệu Thuận là địa phương có khoảng 30 hộ làm cào nghề cào và nấu hến. Người dân ở đây cho biết, nghề cào hến bây giờ khó khăn hơn trước nhiều vì nguồn hến đã dần cạn. Nhưng do không có đất sản xuất nông nghiệp nên người dân vẫn bám nghề. Để có đủ lượng hến bỏ cho thương lái đem vào Huế tiêu thụ, có khi người làm nghề phải chạy thuyền hàng chục km để khai thác. 
            Ông Nguyễn Văn Dụng  - một hộ dân có trên 30 năm làm nghề cào hến ở thôn Đại Lộc B chia sẻ câu chuyện làm nghề: “Tuy nghề hến có thời điểm rất dễ kiếm tiền rất vất vả. Quanh năm chịu mưa chịu nắng, chịu rét trên sông. Vì vậy đòi hỏi người làm nghề phải  có sức khỏe. Chúng tôi làm hến quanh năm nhưng được mùa được giá là vào mùa hè. Khi đó nước sông cạn, hến sinh sôi. Và mùa này chúng tôi cũng làm ăn thuận lợi. Có hộ kiếm được cả tiền triệu mỗi ngày. Chúng tôi cũng nhờ làm hến mà nuôi con cái ăn học nên người”.  
              Nếu như nghề cào hến đòi hỏi người làm chủ yếu là những người đàn ông khỏe mạnh, dẻo dai, thì nghề nấu hến lại đòi hỏi người phụ nữ phải chịu khó, tỷ mẩn và sạch sẽ. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, hến được xem là thực phẩm sạch, mát, bổ dưỡng nên thị trường tiêu thụ tương đối thuận lợi. Người làm hến vì thế cũng yên tâm bám nghề. 
             Chị Nguyễn Thị Kim Hương, ở Tiểu khu 5  thị trấn Ái Tử huyện Triệu Phong cũng đã có 15 năm gắn bó với nghề làm hến. Mỗi ngày chị nấu từ 7 - 8 thùng sống, thu được 55 - 65 lon hến mặt. Thời điểm tiết trời nắng nóng, mỗi lon hến có giá từ 18 - 20 ngàn đồng. Bình quân mỗi ngày chị có lãi từ 300 - 350 ngàn đồng. Chị Hương chia sẻ:“ Khi tôi lấy chồng về đây thì được trong nhà truyền lại nghề làm hến này. Khi mới làm, tôi cũng thấy có nhiều vất vả, vì quanh năm gắn với sông nước lại thức khuya dậy sớm. nhưng lâu rồi cũng thành quen. Giờ thì mình đã thấy gắn bó. Với nghề nấu hến này, chúng tôi cũng phải chăm chú làm cho sạch sẽ. Hến đem lên phải chà rửa, xong rồi đổ vào ngâm vài tiếng. Rồi chà rửa lại sạch sẽ, xong rồi mới nấu. Nấu cho nở rồi đem đãi, tách lấy mặt và nước sạch sẽ rồi đem đi chợ bán”.
              Ở huyện Triệu Phong, nghề khai thác và chế biến hến được biết đến ở một số thôn thuộc các địa phương giáp sông Thạch Hãn như Thị trấn Ái Tử, Triệu Thuận, Triệu Giang, Triệu Độ... với khoảng trên 100 hộ làm nghề. Những vùng này thường không có hoặc ít đất sản xuất nông nghiệp nên hàng trăm năm nay người dân vẫn bám nghề để mưu sinh. Hến có thể được nấu bán tại các chợ địa phương, nhưng phần nhiều được thương lái thu mua, vận chuyển vào Huế tiêu thụ. Tuy khai thác quanh năm, nhưng hến được mùa nhất từ tháng 3 đến tháng 7. Thời điểm này các hộ làm hến có nguồn thu từ bình quân từ 500 – 700 ngàn đồng mỗi ngày. So với các nghề khác, đây là nghề mang lại nguồn thu nhập tương đối cao. 
                Ông Nguyễn Ngọc Đông – Trưởng Tiểu khu 5 – Thị trấn Ái Tử - Triệu Phong, cho biết: “Đối với địa bàn chúng tôi các nghề hến này có từ lâu đời, là nghề truyền thống của dân địa phương. Tuy công việc khá vất vả nhưng đã giải quyết được việc làm cho khá nhiều người dân với nguồn thu nhập ổn định. Nhờ đó, cuộc sống của người dân làm nghề cũng khấm khá. Chúng tôi luôn vận động bà con, khi đánh bắt, chế biến phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để đem ra thị trường phục vụ người tiêu dung được đảm bảo”.
             Thời điểm hiện nay lượng hến khai thác nhiều nhất trong năm, nhu cầu cung ứng ra thị trường cũng tăng mạnh so với các tháng khác. Người dân vùng ven sông vẫn xem hến là  “lộc trời” do thiên nhiên ban tặng, và thực tế nghề này cũng mang lại nguồn thu nhập khấm khá cho bà con./. 

Nguồn tin: trieuphong.quangtri.gov.vn

Các tin khác